Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

BẢN TƯỜNG TRÌNH CỦA HOÀNG KHƯƠNG

http://quechoa.info/2012/01/03/b%E1%BA%A3n-t%C6%B0%E1%BB%9Dng-trinh-c%E1%BB%A7a-hoang-kh%C6%B0%C6%A1ng/


NQL: Việc  Hoàng Khương bị bắt sẽ là câu chuyện dài về việc chống tiêu cực cơ cực như thế nào, về sự bất cẩn trong tác nghiệp, về cái tình và bệnh lãnh cảm trong làng báo v.v.. Thiên hạ đang chờ tiếng nói của báo Tuổi Trẻ, không phải chỉ vì đó là nơi Hoàng Khương công tác, cái chính là báo Tuổi Trẻ là  nơi biết rõ nhất Hoàng Khương có sai không, sai như thế nào, cái sai đó có đáng dẫn đến tù tội hay không?



Trong khi chờ đợi báo Tuổi trẻ lên tiếng, mình cho đăng Bản tường trình của Hoàng Khương để mọi người suy xét. Bản tường trình này Hoàng Khương gửi cho mình cách đây hai tuần. Sau bài viết Sự ích kỷ của làng báo,  Hoàng Khương có email cảm ơn và gửi cho mình Bản tường trình này . 
BẢN TƯỜNG TRÌNH 
  Về quy trình tác nghiệp bài “Đồng tiền xóa sạch hiện trường”  và “CSGT giải cứu xe đua trái phép”.      
1. Tóm tắt yêu cầu triển khai tuyến bài và quy trình tác nghiệp báo chí:
1.1. Vào khoảng tháng 5-2011, Khương được Trưởng ban Chính trị phổ biến kế hoạch của tòa soạn triển khai tuyến bài ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông (TNGT) trên báo Tuổi Trẻ. Theo đề xuất của Khương và được sự đồng ý của Trưởng ban, tôi lần lượt thực hiện các loạt bài về bằng lái giả, đua xe, công nghệ làm bằng lái giả, “đường đua” của xe ben, “Độ” xe “ma”, Đồng tiền xóa sạch hồ sơ, CSGT giải cứu xe đua trái phép…Trong đó, quy trình tác nghiệp hai bài: Đồng tiền xóa sạch hồ sơ và giải cứu xe đua trái phép được thực hiện theo các bước sau:
Đầu tháng 6-2011, trong khi thực hiện các bài báo nêu trên Khương có tiếp cận một vài đối tượng đua xe để tìm hiểu về quy trình xử lý vi phạm. Trong quá trình đó, Khương được biết có sự nương nhẹ của một vài CSGT. Qua tìm hiểu Khương được nghe các đối tượng đua xe cho biết nếu xe bị giam thì nhờ CSGT đóng phạt, không qua khâu kiểm điểm ở tổ dân phố (các đối tượng đua xe rất ngại bị đưa ra kiểm điểm). Để thu thập hồ sơ, chứng cứ phục vụ cho bài viết, Khương rà soát trong số các đối tượng đua xe có ai đang bị giữ xe hay không. Qua đó, Khương được biết có một người tên Hòa đang bị CSGT Bình Thạnh tạm giữ một chiếc xe máy do có hành vi lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh CSGT, không có giấy tờ xe… (tổng hợp các mức phạt khoảng 13-15 triệu đồng). Qua một người bạn cùng nhóm đua xe của Hòa là Nguyễn Đức Đông Anh, Khương mượn biên bản vi phạm của Hòa để photo làm hồ sơ tác nghiệp. Hòa cho biết sẵn sàng bỏ tiền đóng phạt nhưng do sợ bị đưa ra kiểm điểm nên chưa đóng phạt được.
Song song cùng thời điểm đó, trong lúc làm hồ sơ, tư liệu bài xử lý vi phạm giao thông nên Khương có quen ông Tôn Thất Hòa (ông Hoà là chủ DN vận tải và là cò xử lý vi phạm, quen biết rất nhiều CSGT, TTGT). Khương có hỏi ông Tôn Thất Hòa ở khu vực Q.9 (gần nhà ông) có xảy ra nạn đua xe hay không, nếu có thì nhờ ông chỉ địa điểm để Khương đi thực tế viết bài. Ông Tôn Thất Hòa nói không có. Qua câu chuyện, ông Tôn Thất Hòa có cho biết, mới đây ông có người cháu bị CSGT Tân Bình giam xe, phải nhờ “cò” đóng phạt giùm mới lấy xe ra sớm. Vì đang trong quá trình tìm hiểu quy trình xử lý vi phạm, Khương nói với ông Tôn Thất Hòa có một trường hợp bị CSGT Bình Thạnh giam xe và hỏi xem “cò” kia có giải quyết được không. Ông Tôn Thất Hòa nói đưa biên bản và tiền đóng phạt để ông giúp. Nghe vậy Khương gọi cho Hòa đem tiền và biên bản đưa cho ông Tôn Thất Hòa. Lúc đó ông Tôn Thất Hòa đang ở Q.9 nên Hòa nhờ Nguyễn Đức Đông Anh đưa cho Khương để Khương đưa lại cho ông Tôn Thất Hòa. Bẵng đi một thời gian ông Tôn Thất Hòa nói không có giấy xác nhận của công an phường nên không giải quyết được. Sau đó ông Tôn Thất Hòa đưa lại biên bản và tiền đóng phạt cho Khương và Khương trả lại cho Hòa.
Do thời gian thực hiện tuyến bài ngăn chặn tai nạn vi phạm giao thông đã hết nên Khương tạm gác vụ xe đua sang một bên để tập trung viết bài nộp cho trưởng ban (hai bài “Xử lý vi phạm giao thông: Trăm sự nhờ cò” và “Có móc ngoặc”).
1.2. Sau khi hai bài này đăng, Khương đã đề xuất và được Trưởng ban đồng ý thực hiện tiếp tuyến bài góp phần ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông. Ngày 24-6, Khương có mặt tại các bãi xe trên xa lộ Hà Nội rà hỏi gần đây có vụ TNGT nào xảy ra để tìm hiểu quy trình xử lý, làm hồ sơ, tài liệu phục vụ bài điều tra. Khương có gặp lại ông Tôn Thất Hòa nhờ hỏi giúp và được biết tối hôm qua (23-6) tại giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Bạch Đằng có xảy ra vụ TNGT giữa xe đầu kéo và một xe du lịch. Khương liền nhờ ông Tôn Thất Hòa liên lạc với ông Tuấn, chủ xe đầu kéo (bạn làm ăn với ông Hòa) dò hỏi thông tin ban đầu về vụ TNGT và tiến độ xử lý vụ việc. Qua đó, Khương được biết chiều 24-6 CSGT Bình Thạnh sẽ tiến hành khám dấu vết, giải quyết vụ TNGT. Đến sáng 25-6, thông qua ông Tôn Thất Hòa Khương được biết CSGT Bình Thạnh mời ông Tuấn lên làm việc. Khương có nhờ ông Tôn Thất Hòa đưa đi cùng với mục đích quan sát, tìm hiểu quy trình xử lý. Tuy nhiên khi Khương vừa lên đến Đội CSGT Bình Thạnh thì ông Tôn Thất Hòa và ông Tuấn thông báo CSGT hẹn đến ngày hôm sau mới giải quyết. Trên đường về ông Tôn Thất Hòa và ông Tuấn có gọi điện cho CSGT Huỳnh Minh Đức xin gặp để xin giải quyết sớm vì hôm đó đã là thứ 7. Khương nghe ông Tuấn nói ông Đức hẹn ra quán cà phê ở vòng xoay Điện Biên Phủ nên Khương xin đi theo để nắm thông tin.
Đến nơi, Khương đưa máy ghi âm cho ông Tôn Thất Hòa nhờ ghi lại cuộc nói chuyện (mục đích tác nghiệp đã rõ). Khương ngồi bàn riêng để quan sát. Ông Tuấn và ông Tôn Thất Hòa ngồi bàn riêng. Sau đó ông Đức đến rồi cùng ông Tuấn, Tôn Thất Hòa trao đổi, thỏa thuận tiền bạc để giải quyết vụ TNGT (Khương hoàn toàn không ngồi chung bàn, không tham gia cuộc nói chuyện). Sau này khi nghe lại băng ghi âm, Khương có nghe ông Đức ra giá và lấy của ông Tuấn 3 triệu đồng để giải quyết lấy xe ra sớm, miễn giam xe (vụ việc này cơ quan điều tra đã khởi tố cả ba người về các hành vi “làm môi giới hối lộ, “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”).
Cũng tại cuộc nói chuyện này, sau phần thỏa thuận giải quyết vụ TNGT, ông Đức chủ động đề cập sang chuyện khác là nếu có xe chở hàng quá tải thì đưa Đức dắt qua chốt CSGT. Lúc này, ông Tôn Thất Hòa nói có thằng cháu bị CSGT Bình Thạnh giữ xe và hỏi ông Đức có cách nào xử lý giùm mà không đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố. Đức đồng ý và ra giá “10 chai” (giá ban đầu). Ông Tôn Thất Hòa nói “bây giờ anh lo từ A-Z, kể cả tiền phạt, anh đưa cho mày”. Đức hỏi “ai bắt?”, Tôn Thất Hòa “Bình Thạnh, chỗ em chứ ai”. Đức “lấy xe ra chưa”, Tôn Thất Hòa “chưa”. Đức “vậy thì đưa đây”.ông Tôn Thất Hòa nói có thằng cháu bị CSGT Bình Thạnh giữ xe và hỏi ông Đức có cách nào xử lý giùm mà không đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố (những nội dung trao đổi này Khương hoàn toàn không biết mà chỉ nghe lại qua băng ghi âm). Kết thúc cuộc gặp gỡ, ông Đức ra về. Gặp Khương dưới bãi xe, ông Tuấn, ông Tôn Thất Hòa nói ông Đức hẹn hai ông ra quán ăn trên đường D5 (Bình Thạnh) chờ lấy giấy trả xe đầu kéo cho ông Tuấn.
Đến quán ăn, Khương đưa máy ghi âm cho ông Tôn Thất Hòa nhằm mục đích để tác nghiệp và ngồi ngoài đợi, ông Tuấn và ông Tôn Thất Hòa vào trong. Lát sau Khương thấy ông Đức chạy xe máy tới. Khương có chụp mấy tấm hình làm tư liệu rồi ngồi trên xe chờ. Khoảng 20 phút sau, ông Tôn Thất Hòa ra hỏi “Ê, cái biên bản lấy xe đua đâu”. Khương nói “còn đây”. Tôn Thất Hòa “đưa đây, nó ra giá hết luôn”. Khương hỏi “chừng nào đưa”, ông Tôn Thất Hòa “đưa liền đây”.
Vì không liên lạc được với Hòa nên Khương gọi cho anh Mai (làm nghề chạy xe ôm ở hẻm Trần Khắc Chân, P.9, Q.Phú Nhuận, tôi vẫn thường nhờ anh chở đi công việc) theo số điện thoại 09076… nhờ anh chạy ra nhà bạn Hòa (Khương không biết nhà Hòa) là Nguyễn Đức Đông Anh để Đông Anh qua nhà Hòa lấy biên bản và tiền nộp phạt hôm trước. Sau đó anh Mai mang tiền và biên bản ra đưa cho Khương ở đường D5. Khi anh Mai mang tiền, biên bản ra, Khương gọi ông Tôn Thất Hòa ra lấy nhưng ông bảo cứ mang vào. Vì mục đích cần tiếp cận thông tin, trong khi đó sự kiện lại xảy ra bất ngờ, Khương chỉ nghĩ rằng nếu không nhanh chân vào đưa giấy tờ, tiền đóng phạt cho ông Tôn Thất Hòa thì cơ hội thu thập thông tin, chứng cứ sẽ qua đi, nên Khương  mang vào đến cửa phòng nhậu ngoắc ông Tôn Thất Hòa ra đưa. Sau đó tôi bỏ ra xe ngồi chờ.
Lát sau ông Hòa ra gọi Khương vào. Khương vào thì thấy ông Tôn Thất Hòa đang ngồi với ông Tuấn và ông Đức. Ông Tôn Thất Hòa giới thiệu Khương là tài xế của ông Tôn Thất Hòa. Sau đó Khương ngồi quan sát thấy ông Đức giở biên bản ra đọc và nhẩm tính các mức phạt rồi các lỗi lạng lách đánh võng, gây rối… và nói “mười mấy” (tiền phạt khoản mười mấy triệu). Tiếp đó, Khương nghe ông Hòa đếm tiền (kèm hình ảnh): “Một chai, hai chai, ba chai, bốn chai, năm chai, sáu chai, bảy chai, tám chai, chín chai, mười chai, mười một chai, mười hai chai, mười ba chai, mười bốn chai, mười lăm chai. Xong. Còn bị gì cứ nói. Chơi với tụi anh có gì nói thẳng”. Ông Đức nhận tiền từ tay ông ông Tôn Thất Hòa. Khương lấy điện thoại ra chụp vài cái rồi cáo lui ra ngoài (hình ảnh đã đăng trên báo). Từ đầu đến cuối từ việc trao đổi, thỏa thuận giữa ông Đức và ông Tôn Thất Hòa ở quán cà phê vòng xoay và ở quán ăn Khương không hề tham gia. Việc đưa tiền cho ông Đức cũng do ông Tôn Thất Hòa đưa.
Đêm 3-7, ông Tôn Thất Hòa gọi cho Khương báo Huỳnh Minh Đức đã trả xe và gọi Khương ra quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy (Bình Thạnh). Đến nơi Khương thấy ông Tôn Thất Hòa ngồi trong quán cà phê cùng vợ. Ông Tôn Thất Hòa chỉ chiếc xe máy dựng trước quán nói “Đức mới trả xe, đưa cho Hòa”. Khương liên lạc cho Hòa không được liền nhờ anh Mai (xe ôm) chạy về đưa cho Đôn Anh để Đông Anh đưa cho Hòa.
Đêm 4-7, gặp lại Hòa Khương hỏi “xe em lấy về thấy bị hư gì không?”, Hòa: “Dạ không, còn nguyên. Xe em để tuốt bên trong nên không sao. Anh ruột của bạn thân em (làm ở Đội CSGT Bình Thạnh) nói anh lo cho mày không được (Hòa từng nhờ người này giúp) thì chỉ giúp mày để xe phía trong, yên trí không bị gì. Xe chỉ bị sét căm do để lâu ngày thôi. Bởi vì vậy xe em lấy ra đâu có bị trầy trụa. Em chỉ thay bộ căm, rửa lại mới ken”.
Sau khi nghe thông tin ông Đức trả xe cho người vi phạm, Khương đã tiến hành các bước nghiệp vụ kiểm tra lại quy trình xử lý, phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo Đội CSGT Bình Thạnh (có nêu trong bài viết) thì được biết ông Đức đã làm sai quy trình, thay vì nộp phạt trước rồi mới giải tỏa xe nhưng ông lại giải tỏa xe trước. Với những sai phạm về quy trình xử lý như trên, Khương viết bài “giải cứu xe đua trái phép” nộp cho Trưởng ban.
Trên đây là toàn bộ quy trình tác nghiệp của Khương thực hiện theo chỉ đạo của tòa soạn và Trưởng ban chính trị với một mục đích duy nhất là muốn dấn thân, tìm hiểu một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông một cách đầy đủ nhất. Khương cam đoan những biện pháp nghiệp vụ và tình huống cấp bách buộc phải xử lý nêu trên chỉ nhằm mục đích hoạt động nghiệp vụ báo chí, thu thập thông tin, chứng cứ chứ không hề có động cơ vụ lợi nào khác. Mặt khác, những hiện tượng tiêu cực, vi phạm nói trên đã được Khương thể hiện trong các bài viết và được tòa soạn đồng ý cho đăng tải.
Khương xin cam kết tất cả những điều trình bày nêu trên là hoàn toàn đúng sự thật, chính là cơ sở để cho tôi viết và đăng công khai các bài báo hoàn toàn đảm bảo. Nếu có gian dối, Khương xin chịu bất kỳ hình thức xử lý nào của cơ quan và của pháp luật.
2. Về động cơ, mục đích và bản chất hành vi của Khương trong quá trình tác nghiệp báo chí:
Sau khi báo đăng, vào ngày 18-11 tôi được biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh (Cơ quan điều tra) đã có quyết định khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ, đồng thời khởi tố bị can đôi với các ông Huỳnh Minh Đức, Tôn Thất Hòa và Anh Tuấn. Tuy nhiên, Khương thật sự và hoàn toàn bất ngờ, khi Cơ quan điều tra đã mời Khương lên làm việc để hỏi Khương về những vấn đề liên quan đến vụ án nói trên.
Trong quá trình làm việc với Điều tra viên, với trách nhiệm của một nhà báo và vơi tư cách công dân, Khương đã trung thực trình bày sự thật diễn biến như đã nêu trên. Bản thân Khương cũng đã nghiêm túc làm bản tường trình đến Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ, tự nhận thấy trong quy trình tác nghiệp nói trên, do nóng lòng và những tình huống, hoàn cảnh này sinh đột xuất cần phản ứng và xử lí kịp thời, nên có một số hành vi có thể bị ngộ nhận là can dự quá sâu vào sự việc, nên cũng đã nghiêm túc kiểm điểm và tự nhận mức kỷ luật “khiển trách”.
Tuy nhiên, qua làm việc với cơ quan điều tra, Khương nhận thấy trong nội dung biên bản và qua trao đổi trong các buổi ghi lời khai có một số vấn đề cơ quan điều tra chưa đánh giá một cách toàn diện, chưa xác định đúng mục đích, động cơ trong hành vi của Khương trong quá trình tác nghiệp báo chí, từ đó có những nhận xét chưa phù hợp với bản chất hành vi của tôi. Cụ thể, Khương xin khẳng định những vấn đề sau đây:
Một là,Khương hoàn toàn không lợi dụng việc Huỳnh Minh Đức giải quyết vụ TNGT (xe của ông Tuấn) để nhờ Tôn Thất Hòa môi giới để đưa 15 triệu cùng biên bản nhờ Đức lấy xe. Bởi lẽ, thực tế trong quá trình thu thập chứng cứ để viết bài về xử lý vi phạm giao thông, xử lý tai nạn giao thông, Khương đã mượn biên bản của Hòa photo làm hồ sơ trước hôm xảy ra vụ giải quyết TNGT của xe ông Tuấn hơn một tháng (không phải đợi đến khi biết Đức giải quyết vụ xe Tuấn thì Khương mới “nhờ Tôn Thất Hòa môi giới”). Khi Tôn Thất Hòa nói mới có người cháu bị CSGT giam xe đã nhờ “cò” xử lý xong, Khương đã nhờ Tôn Thất Hòa nhờ “cò” đóng phạt giùm và Hòa đồng ý (mục đích tìm hiểu quy trình xử lý vi phạm để viết bài). Sau đó Khương gọi điện cho Hòa biết có người đóng phạt giúp, nếu đồng ý đóng phạt thì đưa tiền cho người ta. Hòa đồng ý và đưa tiền cho bạn Nguyễn Đức Đông Anh đưa cho Khương. Sau đó Khương đưa tiền đóng phạt và biên bản cho Tôn Thất Hòa.
Hai là, Khương cam đoan không chủ động gặp gỡ, đặt vấn đề với Đức để lấy xe, bởi lẽ: Tại quán cà phê vòng xoay Điện Biên Phủ, sau khi ông Huỳnh Minh Đức, Trần Anh Tuấn, Tôn Thất Hòa trao đổi, thỏa thuận tiền bạc để giải quyết vụ TNGT (Khương không ngồi cùng bàn, không tham gia), ông Đức chủ động đề cập sang chuyện khác là nếu có xe chở hàng quá tải thì đưa Đức dắt qua chốt CSGT. Lúc này, ông Tôn Thất Hòa nói có thằng cháu bị CSGT Bình Thạnh giữ xe và hỏi ông Đức có cách nào xử lý giùm mà không đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố. Đức đồng ý và ra giá “thì 10 chai” (giá ban đầu). Ông Tôn Thất Hòa nói “bây giờ anh lo từ A-Z, kể cả tiền phạt, anh đưa cho mày”. Đức hỏi “ai bắt?”, Tôn Thất Hòa “Bình Thạnh, chỗ em chứ ai”. Đức “lấy xe ra chưa”, Tôn Thất Hòa “chưa”. Đức “vậy thì đưa đây”.
Tại quán nhậu trên đường D5, trong lúc Khương đang nằm ngoài xe thì Tôn Thất Hòa ra hỏi “Ê, cái biên bản lấy xe đua đâu”. Khương nói “còn đây”. Tôn Thất Hòa “đưa đây, nó ra giá hết luôn”. Khương hỏi “chừng nào đưa”, ông Tôn Thất Hòa “đưa liền đây”.
Như đã nêu ở trên, Khương đã gọi điện nhờ xe anh xe ôm chạy qua nhà bạn của Hòa là Nguyễn Đức Đông Anh để gặp Hòa lấy tiền, biên bản vi phạm mang ra cho Khương. Khi anh Mai mang tiền, biên bản ra, Khương gọi ông Tôn Thất Hòa ra lấy nhưng ông bảo cứ mang vào. Do trong tình thế cấp bách, với mong muốn tìm hiểu thông tin, quy trình xử lý vi phạm để viết bài nên Khương mang tiền nộp phạt và biên bản vào trước cửa rồi ngoắc ông Tôn Thất Hòa ra đưa.
Sau khi nghe lại băng ghi âm, Khương được biết ông Đức nhẩm tính các mức phạt và nói “mười mấy” (tiền phạt khoản mười mấy triệu). Tiếp đó, Khương nghe ông Hòa đếm tiền (kèm hình ảnh): “Một chai, hai chai, ba chai, bốn chai, năm chai, sáu chai, bảy chai, tám chai, chín chai, mười chai, mười một chai, mười hai chai, mười ba chai, mười bốn chai, mười lăm chai. Xong. Còn bị gì cứ nói. Chơi với tụi anh có gì nói thẳng”. Ông Đức nhận tiền từ tay ông ông Tôn Thất Hòa (hình ảnh đã đăng trên báo).
Ba là, Cơ quan điều tra cho rằng “hành vi của Khương là cố ý, có chủ định từ trước với mục đích để lấy bằng được xe cho Hòa nên đã chủ động gợi ý, nhờ vả, đưa hối lộ cho Đức”. Khương đã trình bày và đề nghị xem xét lại nhận định nói trên, vì đó không chỉ là suy đoán, mà còn không đúng bản chất sự việc. Đúng là Khương có chủ định từ trước nhưng với động cơ, mục đích là thu thập hồ sơ, chứng cứ về quy trình xử lý xe vi phạm để từ đó phát hiện hành vi sai trái của một bộ phận CSGT để viết bài, hoàn toàn không vì mục đích “lấy bằng được xe cho Hòa”. Mặt khác, nếu cho rằng mục đích của Khương là “lấy bằng được xe cho Hòa thì can cớ gì Khương lại đi viết bài, với tất cả tâm huyết và những nguy hiểm, rủi ro rình rập mình, sau đó quyết tâm phản ánh về cách xử lý sai quy trình của Huỳnh Minh Đức trên mặt báo ? Hơn nữa, đề tài về xử lý vi phạm, xử lý tai nạn giao thông nằm trong kế hoạch thực hiện tuyến bài ngăn chặn hiểm họa TNGT của tòa soạn và đã được trưởng ban triển khai cho Khương. Trong quá trình tác nghiệp và hoàn thành khâu hồ sơ, chứng cứ, Khương đều báo cáo tiến độ với trưởng ban và được trưởng ban đồng ý.
Bốn là, Khương hoàn toàn không đồng ý với quy buộc của Cơ quan điều tra khi cho rằng “khi Đức không đồng ý trả giấy tờ, tôi đã lợi dụng cương vị của mình là nhà báo để viết bài đăng báo nhằm mục đích ép Đức thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật”. Nhận định này không chỉ trái với sự thật khách quan nêu trên, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cá nhân Khương nói riêng và của Ban biên tập báo nói chung, bởi lẽ: Thực tế Khương hoàn toàn không trao đổi gì với Huỳnh Minh Đức về việc đòi trả lại giấy tờ xe. Do đó, không thể dùng đó làm chứng cứ để quy kết động cơ của Khương như nêu ở trên, trong khi chính Huỳnh Minh Đức khi nhận tiền, giải cứu xe đua trái quy trình, thẩm quyền mới là “thực hiện đến cùng hành vi trái pháp luật”.
3. Một số đề nghị xin được xem xét:
Nhìn lại toàn bộ quy trình tác nghiệp nêu trên, bản thân  Khương đã nghiêm khắc nhận khuyết điểm, thừa nhận có sai sót nghiệp vụ liên quan công đoạn cầm biên bản và tiền nộp phạt của bạn ông Hoà vào đưa cho ông Tôn Thất Hòa. Lỗi tác nghiệp nói trên một phần do bản thân chưa được đào tạo bài bản về pháp luật, chưa hiểu rõ việc cầm biên bản và tiền bạc đưa cho ông Tôn Thất Hòa có thể bị coi là liên đới trong hành vi vi phạm của những người nói trên. Tuy nhiên, do bị áp lực, căng thẳng của quá trình tác nghiệp, tình huống xảy ra rất nhanh, bất ngờ, bản thân ông Tôn Thất Hòa hối thúc phải lấy biên bản và tiền nộp phạt gấp… Trong bối cảnh ấy Khương đã vội vàng cầm biên bản và tiền đưa vào, mà không để tự ông Tôn Thất Hòa ra ngoài lấy…
Khương nhận thức đây là sơ hở đáng tiếc trong quy trình tác nghiệp, nhưng Khương thiển nghĩ và xin được xem xét ở chỗ, về bản chất hành vi cầm biên bản và tiền nộp phạt đưa cho ông Tôn Thất Hòa chỉ nhằm mục đích tìm kiếm, thu thập thông tin, chứng cứ phục vụ cho bài viết, khác hoàn toàn với động cơ, mục đích nhằm đưa tiền của, lợi ích vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn nhằm giải quyết một yêu cầu cụ thể cho đương sự.
Trong quá trình tác nghiệp, mặc dù có thể nguy hiểm đến tính mạng, uy tín cá nhân và sự an nguy của gia đình, vợ con nhưng xuất phát từ nhận thức nghề nghiệp là phải phản ánh sự việc trên mặt báo đúng sự thật nên có lúc đã nôn nóng. Nếu động cơ của Khương là để trục lợi cá nhân hoặc có những mục đích không chân chính thì chắc chắn Khương đã không nộp bài để đăng báo công khai. Cũng chính từ loạt bài của báo Tuổi Trẻ thì cơ quan điều tra mới có căn cứ khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ.
Từ những điều trình bày trung thực và chi tiết nêu trên, Khương xin trân trọng kính đề nghị lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chủ quản và Ban Biên tập Báo Tuổi trẻ xem xét và đánh giá đúng bản chất hành vi, động cơ, mục đích trong quá trình tác nghiệp báo chí, từ đó xem xét lại những nhận định chưa phù hợp và không đúng đối với cá nhân của Khương
Trân trọng cám ơn!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét