Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Cùng tắc… bí!

http://quechoa.info/2012/01/06/cung-t%E1%BA%AFc-bi/



Chuyện ách tắc giao thông suốt cả năm nay thiên hạ bàn tán không biết mệt, bàn mãi rồi ách tắc vẫn hoàn ách tắc. Phải thừa nhận từ ngày nhậm chức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nổ lực tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu ách tắc trong các thành phố lớn. Nhưng hầu như giải pháp nào ông đưa ra cũng đều là những giải pháp bất khả thi, có vẻ như cái khó không ló cái khôn, toàn ló ra mấy món kì khôi gây bực dọc cho dân chúng.
Hết giải pháp đổi giờ đi học, đi làm đến giải pháp cấm xe máy,  hô hào đi xe bus. Những giải pháp chẳng mới mẻ gì, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố HCM cũng đã tính đến từ lâu nhưng không thực hiện được. Đổi giờ đi học đi làm tưởng đơn giản nhưng chính nó gây xáo trộn toàn bộ cuộc sống ở thành phố. Chính xáo trộn này sẽ nảy sinh nhu cầu tham gia giao thông tăng lên gấp bội.
 Ví dụ đơn giản, làm lệch giờ đi học so với giờ đi làm sẽ buộc bố mẹ trẻ nhỏ thay vì một ngày hai lượt đi về ( do đưa đón con kết hợp đi về công sở), nay tăng lên bốn lượt- đưa đón con xong lại dắt xe đi về công sở. Đi xe bus là một giải pháp không tồi nhưng lấy đâu ra đường riêng cho xe bus. Cứ để xe bus giành đường xe con xe máy càng dễ gây ra ách tắc tăng lên. Vả, các tuyến xe bus hiện nay chỉ chiếm không đầy 30% các tuyến đường bộ trong thành phố, 70 % đường bộ còn lại dân chúng đi bằng gì? Ấy là chưa nói chất lượng xe bus rất tồi tệ, chính Bộ trưởng đã kêu lên: “ đến tôi cũng còn không chịu nổi”, thế thì dân chúng đi làm sao?
Người ta bảo cùng tắc biến, đằng này ngành GTVT thì cùng tắc bí, càng tắc càng bí. Giải pháp mới nhất là đề xuất thu phí giao thông giờ cao điểm. Có lẽ đây là giải pháp kì khôi nhất khi người ta cho rằng chỉ có đánh vào túi tiền của dân mới làm cho dân sợ không tham gia giao thông nữa. Giời ơi, có cần dân mới ra đường chứ mấy ai rửng mỡ chạy rông đâu. Khi đã cần thì dù phí có bao nhiêu dân cũng ráng chồng đủ để ra đường. Thế là từ giải pháp chống ách tắc giao thông đã nghiễm nhiên trở thành giải pháp móc tiền dân.
Vì thế mà TS Võ Kim Cương – Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học về quản lý đô thị TP.HCM đã thốt lên:” không thể cứ lấy mục tiêu giảm ùn tắc giao thông để liên tục chất thêm gánh nặng tài chính lên vai người dân, khi mà trách nhiệm giải quyết kẹt xe là của cơ quan chức năng”.  Còn ông Hoàng Đức Hậu – Hội Cầu đường VN – cho rằng một điều dễ nhận thấy là ngành GTVT vẫn loay hoay vô ích với các giải pháp bên lề mà bỏ quên nguyên nhân chính dẫn đến sự bế tắc giao thông.( Theo báo Thanh niên)
Đúng vậy. Trách nhiệm của ngành GTVT là làm thế nào để mọi người dân tham gia giao thông được dễ dàng, chứ không phải để tham gia giao thông dễ dàng thì hạn chế mọi người dân tham gia giao thông. Còn như để hạn chế người dân tham gia giao thông mà ra sức tăng phí giao thông thì hãy quên đi, nếu không muốn thiên hạ cười chê dân chúng phẫn nộ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét