Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

“Giao thông Việt Nam khủng khiếp, nhưng không phải bó tay!”

http://tuoitre.vn/The-gioi/Viet-Nam-va-nhung-nguoi-ban/306037/%E2%80%9CGiao-thong-Viet-Nam%C2%A0khung-khiep-nhung-khong-phai-bo-tay%E2%80%9D.html


Chương trình Đánh giá đường bộ quốc tế dưới sự tài trợ của Quỹ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Phát triển Úc nhằm giảm thiểu tử vong và thương tích do tai nạn giao thông gây ra đã triển khai trên 50 quốc gia ở châu Âu. Tại châu Á, VN là nước thứ hai (sau Malaysia) triển khai chương trình Đánh giá đường bộ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (iRAP). Ông Rob McInerney - giám đốc điều hành iRAP - đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn riêng khi ông tới VN.



* Ông đã đến VN bao giờ chưa và cảm nhận của ông về tình hình giao thông ở VN như thế nào?
- Tôi đã đến VN được bốn lần rồi, lần lưu lại lâu nhất là hai tuần. Đất nước của các bạn để lại trong tôi ấn tượng tươi đẹp, con người thật thân thiện nhưng thú thật giao thông ở đất nước các bạn thật… khủng khiếp! Lần đầu tiên đến VN tôi không dám băng qua đường, xe máy nhiều vô kể. Anh bạn tôi bảo: “Cứ băng qua đi, tự khắc xe sẽ tránh mình”, tôi đành làm liều trong lúc tim đập thình thịch và cuối cùng đúng thế thật!
Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ dám đi xe máy ở đường phố Hà Nội, thế nhưng tính đến bây giờ tôi đã ngồi sau xe máy vài lượt rồi đấy. Lần sau có cơ hội tôi sẽ học lái xe gắn máy và lượn phố vài vòng. Tôi đã rút ra cho mình bài học: giao thông VN đúng là khủng khiếp nhưng nếu có phương pháp tốt sẽ không phải bó tay.

Lưu thông hỗn loạn tại giao lộ Trần Quang Khải - Nguyễn Hữu Cầu - Trần Khắc Chân - Nguyễn Phi Khanh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

* iRAP được khởi động từ bao giờ, tại những quốc gia nào? Tại sao iRAP chọn VN để triển khai, thưa ông ?
- iRAP chính thức được bắt đầu từ năm 2000, triển khai tại một số nước châu Âu như Anh, Tây Ban Nha… sau đó mở rộng ra Úc, Mỹ, New Zealand… Đến nay chương trình đã thực hiện tại 17 quốc gia ở riêng châu Âu và tổng số 50 quốc gia trên toàn thế giới. Hiện nay, ở tất cả quốc gia phát triển hay đang phát triển, vấn đề an toàn giao thông đều ở trong tình trạng báo động, nhu cầu giảm thiểu tai nạn giao thông tại tất cả quốc gia trên toàn cầu là có thật và cấp thiết.
Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2007 diễn ra ở Úc, bộ trưởng Bộ GTVT VN có mong muốn iRAP sẽ được triển khai tại VN. Cùng thời điểm đó, Chính phủ Úc phối hợp với Quỹ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu và Ngân hàng Thế giới đã quyết định tài trợ cho chương trình iRAP tại VN. Ngoài ra, do chương trình của chúng tôi tập trung hướng tới hai đối tượng chủ yếu là người đi xe máy và đi bộ, VN là nước có lượng xe máy lưu thông rất lớn, vì lẽ đó chúng tôi chọn VN.
* iRAP VN sẽ được triển khai qua những bước nào, thưa ông?
Ở châu Á, VN là nước thứ hai thực hiện chương trình này. Trước đó ở Malaysia, chúng tôi đã khảo sát trên 3.700km quốc lộ, đưa ra giải pháp cải tiến đường bộ và cho hiệu quả rất cao, số vụ tai nạn giao thông giảm tới 32% (dự báo trong vòng 20 năm sẽ giúp khoảng 32.000 người tránh được thương tích, tử vong do tai nạn giao thông). Chính phủ Malaysia đã quyết định tiếp tục áp dụng chương trình cho 72.000km quốc lộ còn lại của họ.
- Tại VN, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát trên 3.200km quốc lộ trên chín tuyến đường chính từ Hà Nội đến Cần Thơ. Các bước tuần tự để triển khai iRAP VN là: xây dựng mối quan hệ với Chính phủ VN, thực tế thẩm định, tổng hợp số liệu, kết luận và chuyển về cho cơ quan chức năng để có những biện pháp cải tiến.
Từ quá trình khảo sát thông qua các thiết bị kỹ thuật số gắn trên xe chuyên dụng, chúng tôi sẽ đánh giá đoạn đường nhờ phần mềm của iRAP, chấm điểm từng loại đường từ một sao đến năm sao, sau đó đưa ra những cải tiến tiết kiệm và tối ưu nhất. Thực tế chứng minh iRAP có thể giúp giảm chiều dài của cung đường tới 25%, tiết kiệm được lượng lớn về chi phí đầu tư xây dựng đường sá.
Có hơn 10 chuyên gia của iRAP sẽ làm việc cùng các đơn vị của VN, trong đó nòng cốt là Cục Đường bộ VN. Chúng tôi sẽ đào tạo và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ các cán bộ, kỹ sư của VN để sau này VN có thể tự thực hiện độc lập.
* VN có những đặc trưng khác biệt nào so với những quốc gia khác mà iRAP từng thực hiện? iRAP VN khắc phục điều này bằng cách nào, thưa ông?
- Ở nhiều quốc gia, các phương tiện giao thông công cộng rất phổ biến và quy củ. VN thì không, tỉ lệ sử dụng xe gắn máy ở VN rất cao, lưu thông lộn xộn, có nhiều điểm giao cắt không an toàn… Đó là những khó khăn cho quá trình khảo sát. Tuy nhiên chúng tôi đã cải tiến và sử dụng ba chiếc camera trên nóc xe với độ quét rất rộng và liên tục để có thể bao quát toàn cảnh, ngoài ra tiến hành vào thời điểm ít xe cộ qua lại cũng là một cách làm hiệu quả.
* Thưa ông, sau thời gian bao lâu thì có thể đánh giá hiệu quả do chương trình iRAP mang lại? iRAP có dự định thực hiện cuộc khảo sát về con số thương vong do tai nạn giao thông trước và sau khi triển khai dự án, nhằm thấy rõ hiệu quả của dự án mang lại hay không?
- Đến tháng 12-2009, chúng tôi sẽ có báo cáo hoàn thiện bao gồm phần chấm điểm và phần kiến nghị các giải pháp cải tiến đường bộ. Dĩ nhiên sau khi kết thúc dự án, chúng tôi rất mong muốn có cuộc khảo sát nhằm chứng minh hiệu quả do chương trình mang lại cho nước sở tại.

LÂM HOÀI thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét