Liên tục khắc phục, thế nhưng, tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh vẫn không ngừng xuống cấp. Điều tra của Dân Trí cho thấy, ngoài yếu tố khách quan, hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư và nhà thầu đã đẩy công trình trên rơi vào thảm cảnh như hiện nay.
Như Dân trí đã liên tục thông tin, dù chỉ mới đưa vào sử dụng, nhưng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh do Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư với hình thức BOT đã xuống cấp một cách thê thảm. Suốt trên chiều dài 16km tuyến đường rạn nứt chân chim, lún vệt bánh xe, bong tróc thảm đường, đặc biệt hàng loạt điểm hư hỏng xuống tới lớp móng.
Hàng loạt cái "ao" chình ình trên mặt đường tránh TP Hà Tĩnh
Thực trạng xuống cấp của tuyến đường có số vốn đầu tư tới gần 500 tỷ đồng (báo cáo mới nhất của chủ đầu tư) đã khiến người dân, đặc biệt là chủ các phương tiện tham gia giao thông trên đường, hết sức bất bình. Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng hết sức bức xúc trước thực trạng chất lượng con đường. Mới đây nhất, sau nhiều lần gửi công văn đề nghị chủ đầu tư sửa chữa không có kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã đề xuất với Bộ GTVT cho đóng cửa trạm thu phí nếu chủ đầu tư chậm triển khai khắc phục tuyến đường này.
Nhiều sai phạm
Một dự án lớn với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng vừa đưa vào vận hành, khai thác đã nhanh chóng xuống cấp là một điều khó chấp nhận. Vậy đâu là nguyên nhân?
Điều tra của Dân trí cho thấy, ngoài yếu tố khách quan (mưa, lũ), hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư và các nhà thầu (tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công) là nguyên nhân đã đẩy công trình trên rơi vào thảm cảnh như hiện nay.
Sai phạm đầu tiên của chủ đầu tư là buông lỏng công tác quản lý khiến việc kiểm soát đầu vào nguyên liệu phục vụ dự án của các nhà thầu không đảm bảo. Sai phạm này được ông Lâm Viết Huân, nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án, hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (đơn vị được Tập đoàn Sông Đà giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh) thẳng thắn thừa nhận với PVDân trítrong buổi làm việc mới đây.
Ông Lâm Viết Huân thừa nhận có sai sót, buông lỏng trong quản lý, kiểm soát nguyên liệu phục vụ dự án
Ông Huân cho hay, có thể lớp đá làm cốt liệu cho bề mặt không đạt yêu cầu, mà ở đây có thể là đá dăm 1x2 mềm quá dẫn đến hiện tượng bị rạn, vỡ khi có áp lực tải trọng đè lên. “Khi đá vỡ vụn ra, không còn chất kết dính nên cấp phối ban đầu sẽ không còn đảm bảo dẫn đến kết cấu áo đường bị phá vỡ” - ông Huân phân tích.
Hậu quả sai phạm trên là tuyến đường chính rạn nứt chân chim, lún vệt bánh xe, tróc bóc thảm đường, hàng loạt chỗ hư hỏng xuống tới lớp móng.
Sai phạm này hoàn toàn không chỉ thuộc về lỗi của BQL dự án, nhà thầu mà còn có trách nhiệm của Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Giao thông I (Bộ Xây dựng), đơn vị được chủ đầu tư thuê làm tư vấn, giám sát xây dựng công trình. “Việc đầu vào của nguyên liệu không đảm bảo thuộc về trách nhiệm của tư vấn giám sát Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Giao thông I. Họ được thuê để giám sát xây dựng công trình, nhưng đã không đảm bảo quy trình kiểm soát chất lượng đầu vào của vật liệu. Sai phạm này chúng tôi đã kiểm điểm trong các cuộc họp rồi” – ông Huân cho biết.
Tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh bộc lộ hàng loạt vấn đề không thể không nhắc đến nhà thầu Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng 533 (Tecco533 – thuộc Cienco5) đơn vị được chủ đầu tư thuê khảo sát, lập dự án tư vấn thiết kế công trình. Theo ông Huân, thiết kế của đơn vị tư vấn có vấn đề, thể hiện rõ nhất là các nhánh rẽ ở đầu, cuối tuyến quá nhỏ so với yêu cầu thực tế, buộc chủ đầu tư đang phải đau đầu tìm phương án sửa chữa.
Thiết kế nhánh rẽ đường tránh không phù hợp với yêu cầu thực tế khiến chủ đầu tư đang đau đầu tìm phương án sửa chữa
Kiên quyết xử lý các cá nhân, tập thể
Không để thực trạng tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh xuống cấp kéo dài, gây bức xúc cho người dân, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, mới đây Tập đoàn Sông Đà đã có những động thái rất đáng ghi nhận.
Quyết tâm đầu tiên mà Tập đoàn Sông Đà đưa ra là, do việc sửa chữa, khắc phục thực trạng hư hỏng của các nhà thầu không đạt kết quả như mong muốn nên lãnh đạo tập đoàn này đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà lựa chọn một đơn vị tư vấn kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm phân tích, đánh giá lại một cách khách quan nguyên nhân dẫn đến sự cố hư hỏng của tuyến đường tránh này.
Nền đường bị lún tạo thành những con chạch kéo dài
Chỉ đạo của Tập đoàn Sông Đà đã nhanh chóng được thực thi. Một hợp đồng đánh giá nguyên nhân, tìm phương án sửa chữa tuyến đường trên đã được Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà ký kết với Viện Khoa học & Công nghệ GTVT (trực thuộc Bộ GTVT) vào tháng 10 vừa qua. Theo hợp đồng ký kết, trung tuần tháng 12/2011, đơn vị tư vấn nói trên sẽ có báo cáo đánh giá toàn diện nguyên nhân dẫn đến thực trạng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh xuống cấp gửi chủ đầu tư.
Đặc biệt, theo thông tin mà Dân trí có được, sau khi có báo cáo xác định được nguyên nhân, Tập đoàn Sông Đà sẽ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến quá trình triển khai dự án. Những cá nhân, tập thể để xẩy ra sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Trước mắt, trong quá trình chờ đợi kết luận của thanh tra, Tập đoàn Sông Đà đã cho ông Lâm Viết Huân (người nắm rõ nhất các chi tiết về dự án đường tránh thành phố Hà Tĩnh do trước đó được giao Trưởng ban quản lý dự án- PV) thôi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà, đồng thời điều vị cán bộ này xuống làm Tổng giám đốc công ty để phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục, sửa chữa những sự cố đang xảy ra trên tuyến đường tránh gây nhiều bức xúc này.
Văn Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét