Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Gọi điện thoại cho người thân” khi… phạm luật

http://vov.vn/Home/Goi-dien-thoai-cho-nguoi-than-khi-pham-luat/201112/194280.vov



Không ít những người vi phạm luật giao thông bị thổi còi đều thực hiện động tác đầu tiên là… rút điện thoại gọi người thân, thay vì xuất trình giấy tờ
Ngày 12/12, trên các trang chia sẻ video trực tuyến lan truyền một đoạn clip, được camera của VOV giao thông ghi lại. Trong hình là cảnh một thanh niên trẻ, ăn mặc sành điệu đã có những hành vi vô cùng phản cảm, khi bị cảnh sát dừng chiếc xe bạc tỷ để kiểm tra trên đường phố Hà Nội.
Nhìn hình ảnh đó, nghe những lời nói thiếu văn hóa của nhân vật trong clip, người ta có cảm giác thái độ coi thường luật pháp đang là một cái "mốt" của những “thiếu gia” con nhà giàu.
Dù đã “suýt soát” 30 tuổi, nhưng thiếu gia có dáng vẻ của một cậu bé, khi phụng phịu gọi điện cho người thân để giải cứu. “Cậu bé” này không rõ là "thiếu gia" nhà ai khi sở hữu một chiếc xe Poscher trị giá trên 3 tỷ đồng, đồng thời sở hữu cả ý nghĩ: tiền có thể khiến cậu ta đứng trên pháp luật.
Thay vì chấp hành yêu cầu kiểm tra hành chính, cậu ta gọi điện cho người thân, nghênh ngang không hợp tác với lực lượng chức năng, thậm chí trước mặt công an vẫn thẳng tay ném bật lửa và bao thuốc hút dở vào mặt của một nữ phóng viên đang tác nghiệp. Khi bị lực lượng chức năng cưỡng chế, vẫn liên tục gọi điện cho người thân và dùng những lời lẽ tục tĩu đối với những người thực thi pháp luật.
"Thiếu gia" phi bật lửa và bao thuốc vào nữ phóng viên
Hành vi không thể chấp nhận được của “cậu ấm” này, đáng tiếc, không phải là cá biệt. Trong vài tháng trở lại đây, cảnh sát giao thông Hà Nội liên tục chứng kiến những thanh niên vi phạm giao thông và xưng là "cháu chú Nhanh" (Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) để không bị xử phạt. Thậm chí, hồi đầu tháng 12, một thanh niên bị giữ khi trên xe có tàng trữ vũ khí quân dụng còn dọa cảnh sát là sẽ gọi một… Phó Thủ tướng để can thiệp!.
Gọi điện thoại cho người thân, sau khi bị phát hiện vi phạm, đã trở thành một thứ “văn hóa giao thông” ở Hà Nội. Rất dễ để nhận ra “văn hóa” này nếu quan sát một ngày ở ngã tư đường phố. Như một thủ tục, như một thói quen, hầu hết những người vi phạm luật giao thông bị thổi còi đều thực hiện động tác đầu tiên là rút điện thoại gọi người thân, thay vì xuất trình giấy tờ.
Có người gọi xong thì ra nói chuyện với cảnh sát, có người cầm điện thoại đưa cho cảnh sát để… nói chuyện với “người thân”. Công bằng mà nói, nếu như có “người thân” phù hợp, động tác này hẳn phải có tác dụng, nên nó mới trở thành thói quen, thành “văn hóa” đi đường ở Hà Nội.
Có lẽ không ở đâu trên thế gian này mà đường phố có sự hiện diện thường xuyên của cảnh sát giao thông, với mật độ cao như các thành phố lớn ở Việt Nam. Nhưng, có lẽ cũng không ở đâu trên thế gian này mà giao thông hỗn loạn như ở Việt Nam. Điều này không chỉ bởi nguyên nhân yếu kém về hạ tầng và quá tải phương tiện. Vấn đề nằm ở sự bất bình đẳng trong việc đi lại.
Chỉ cần thường xuyên đi đường, thường xuyên quan sát những ngã tư, cũng không khó để nhận ra những phương tiện thường xuyên vi phạm lỗi lấn làn, vượt đèn đỏ, quá tốc độ đều hoặc là xe công, xe buýt trợ giá, hoặc xe sang, hoặc do những thanh niên bặm trợn điều khiển.
Trên đường phố, cơ chế ưu tiên hiện chỉ còn áp dụng cho xe có biển ngoại giao, cứu thương, cứu hỏa. Song, như một sự mặc định, hầu như những chiếc xe biển xanh (xe công vụ) đều miễn nhiễm trước tiếng còi cảnh sát. Và những gương mặt thò ra từ cửa kính xe siêu sang, cũng giống như đã được gắn thẻ ưu tiên khi mắc lỗi. Những thanh niên bặm trợn không đội mũ bảo hiểm cũng thường được lờ đi, tại những chốt cảnh sát chỉ có một hai chiến sĩ trực. Đó là một thực tế về sự bất bình đẳng trong giao thông.
Về mặt lý thuyết, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng pháp luật được thực thi, thừa hành bởi những cá nhân vốn dĩ chịu rất nhiều tác động phi pháp luật. Một lời nhắc, một câu xin xỏ của cấp trên, đồng nghiệp, hay của bất kỳ mối quan hệ nào khác, lỗi dễ dàng được bỏ qua. Một cái trừng mắt, một cử chỉ hăm dọa từ người điều khiển phương tiện vi phạm cũng có thể khiến việc xử phạt hình như là không đáng.
Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật! Đó là một lý tưởng. Song khi mà cái lý tưởng đó đứng dưới ơn huệ, đứng dưới các mối quan hệ để xin cho, thậm chí được bảo kê bằng những cơ chế ưu tiên, thì lý tưởng về sự bình đẳng mãi mãi chỉ tồn tại trên lý thuyết mà thôi.
Còn bạn thì sao? Hãy nhớ lại xem, bạn có lập tức "dùng sự trợ giúp- gọi điện cho người thân" khi bị cảnh sát dừng xe vì vi phạm luật Giao thông ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét